Dành chi phí cho quảng cáo hay cho trải nghiệm khách hàng? Tỷ lệ như thế nào thì hợp lý?
Bưởi Da Xanh có xuất xứ từ Bến Tre. Ai đã từng ăn đều công nhận ngon. Nhưng làm thế nào để những người chưa ăn cũng tin là ngon? Khi đưa loại bưởi này ra Hà Nội, nơi chưa ai biết, ông chủ bưởi Da Xanh rất đau đầu.
Ban đầu ông đứng bán ở chợ Long Biên bán với dòng chữ bưởi đặc sản Bến Tre. Chẳng ai quan tâm. Ngày thứ hai bán giá khuyến mãi. Không ai dừng lại. Ông vẫn kiên trì. Suốt một tuần tiếp theo ông thuyết phục các chủ sạp và người qua lại ăn thử miễn phí. Tất nhiên ai ăn cũng khen ngon. Và tất nhiên sau đó họ đặt mua.
Bây giờ bưởi Da Xanh khá được yêu thích ở Hà Nội và bán giá khá cao.
Amazon cắt ngân sách quảng cáo và lấy chi phí cắt bớt đó để đầu tư vào trải nghiệm khách hàng: giao hàng miễn phí vận chuyển và chăm sóc khách hàng. CEO Amazon dự đoán rằng tương lai ngân sách cho trải nghiệm khách hàng và quảng cáo có thể đảo ngược từ 30/70 như hiện nay thành 70/30.
Tỷ lệ bao nhiêu về ngân sách cho trải nghiệm khách hàng phụ thuộc rất lớn vào tính chất sản phầm và ngành nghề. Đặc biệt điều kiện tiên quyết là sản phẩm phải tốt, rất tốt, rất khác biệt.
Khi có một sản phẩm tốt vượt trội chưa ai biết, quan trọng nhất là để họ trải nghiệm bằng cách dùng thử. Chi phí cho quảng cáo giúp nhận biết thương hiệu nhưng chi phí cho trải nghiệm mới giúp khác biệt thương hiệu đến với khách hàng thuyết phục nhất.