I. Lời nói đầu
Mình có làm 3 blog về 3 mảng: du lịch, ẩm thực và SEO. Các Blog đi theo hướng khác nhau, nhưng tựu trung lại đều tập trung vào các thử nghiệm về nội dung. Hôm nay, mình chia sẻ với các bạn 1 trong số đó:
Phải nói trước với các bạn, blog của mình không phải chuẩn SEO, cách xây dựng cũng không hẳn là theo chuẩn SEO. Mục đích của mình khi làm Blog là kiểm nghiệm lại những điều chưa chắc chắn trong SEO, lấy kinh nghiệm và thực tế để viết bài về SEO.
“Một blog – web chỉ trông vào nội dung tươi mới, thường xuyên,và chia sẻ lên Mạng xã hội đều đặn có thể mạnh được không?”. Bài viết này cố gắng trả lời một phần của câu hỏi đó, và cũng chia sẻ với các bạn một số suy nghĩ (chủ quan) của mình về SEO.
II. Định hướng
1. Định hướng thị trường.
Chọn ẩm thực vì đây là mảng mình có hiểu biết tương đối sâu (mình có kinh nghiệm 8 năm hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, quán ăn, còn kinh nghiệm SEO thì mới 3 năm). Ngoài ra ẩm thực cũng là một mảng khá phong phú, nhiều người phát triển. Lượng tìm kiếm thông tin, kiến thức về ẩm thực là khá lớn. Khi xây dựng blog ẩm thực mình có lợi thế về lưu lượng tìm kiếm lớn và độ cạnh tranh tương đối khó (nhưng không quá khó) rất tốt cho thử nghiệm.
2. Định vị thương hiệu.
Vì các trang về ẩm thực khá nhiều, công thức nấu ăn chủ yếu copy – paste của nhau. Để tạo sự khác biết mình tập trung vào xây dựng một blog không nặng về chia sẻ công thức nấu ăn, mà đi sâu vào chia sẻ những cảm xúc, tình cảm khi nấu ăn. Bắt nguồn từ suy nghĩ không phải mọi chanh đều chua như nhau, không phải mọi muối đều mặn như nhau, công thức chỉ là tương đối (SEO cũng vậy). Hơn nữa xã hội càng hiện đại, thời gian con người dành cho nhau càng ít, một Blog ẩm thực không hùng hậu với hàng nghìn món ăn; mà đi sâu vào tình cảm có thể không tạo ra một lượng traffic lớn, nhưng tin rằng blog có lượng khán giả riêng của nó. Blog này cũng vì thế mà đi ngược với xu hướng chung của các trang ẩm thực hiện nay: không có nhiều ảnh cũng như video hướng dẫn chi tiết.
Mình chọn một cái tên: Bí Ngô – một cái tên hai âm tiết, dễ nghe, dễ gọi, liên quan tới ăn uống. Cách xưng hô chủ đạo của blog là Các bạn – Bí Ngô. Bí Ngô sẽ hướng dẫn…, Bí Ngô sẽ chia sẽ cùng các bạn… Các bạn không cần biết tôi là ai, chỉ cần biết tồn tại một Blog của Bí Ngô có chia sẻ về nấu ăn, không phải là công thức, mà là một thứ gì đó khác. Bí Ngô rất chân thành, ngay cả khi mắc lỗi.
Khác biệt ngay cả khi dính 404.
3. Chọn từ khóa.
Nãy giờ toàn nói vể ẩm thực là nói rộng, thực tế là mình SEO các từ khóa về món ăn. Mình tập trung vào nội dung, mỗi bài viết là một món ăn ngon; từ khóa trùng với tên món ăn, mỗi bài vì thế tập trung một từ khóa. Mình vẫn để từ khóa “món ăn ngon” cho trang chủ, nhưng các bạn chú ý là mình không tập trung SEO cho từ khóa này, cũng như các từ khóa dài có liên quan.
4. Xây dựng keyword
Title: Bí quyết làm món ăn ngon
Title có chứa từ khóa chính, ngắn gọn, hai chữ “bí quyết” tạo sự tò mò cho người đọc.
Description: Làm món ăn ngon không cần công thức – Gia đình hạnh phúc cùng làm món ngon.
Miêu tả ngắn gọn, có chứa từ khóa chính, bao quát được nội dung và định hướng được website, bổ sung và làm rõ nghĩa cho title; cấu trúc đăng đối, nhẹ nhàng.
Key word: “món ăn ngon”, để cho có thôi, vì một site chẳng nhẽ lại không có keyword.
Lưu ý: Đó là key word cho trang chủ thôi, còn mỗi trang trong sẽ có keywrod riêng. Title = tiêu đề bài viết = tên món ăn. Keyword: tự động lấy tiêu đề bài viết làm keyword (cái này do mình cài). Description cũng để Google tự lấy. Thường thì phần mở đầu của bài viết, giới thiệu về món ăn thì mình viết và cố ý chèn từ khóa một cách tự nhiên nhất. Nên việc Google tự lấy miêu tả và cắt ở đâu không quan trọng. Vì thực tế vẫn đảm bảo được miêu tả có chứa từ khóa. Ví dụ:
Bài viết này là một ví dụ, mình chia sẻ về cách làm muối ớt. Ngày đoạn mào đầu mình viết sao cho có từ “muối ớt” một cách tự nhiên. Các bạn thấy là tuy mình để Google tự động lấy title và des nhưng vẫn đảm bảo chứa từ khóa. Từ khóa được nhắc một cách tự nhiên.
5. Xây dựng cơ sở dữ liệu
Mình chuẩn bị khoảng 50 bài về ẩm thực, các bài viết trong giai đoạn này cũng như về sau được mình lấy từ các nguồn sau.
– Viết mới: khoảng vài chục bài
– Rewrite: vài chục bài.
– Còn lại đa số được lấy từ trong một cuốn giáo trình dậy nấu ăn. Mình đã kiểm tra và biết giáo trình này không có trên mạng, vì thế các bài viết khi xuất bản vẫn đảm bảo yêu cầu là bài mới.
– Một số bài được sưu tập từ các báo lớn và của các nhà văn viết về ẩm thực. Các bài dạng này phải đặc sắc, nổi tiếng, có để nguồn ở cuối bài (với tin tức).
6. Chiến thuật áp dụng: Bủa vây bằng từ khóa dài
Mình không chủ đích lên Top với từ khóa hot, việc này tốn sức lực và phải cạnh tranh với đối thủ trên top, việc lên top cũng như duy trì top chưa chắc mang lại hiệu quả. Chủ đích của mình là lên top với hàng loạt từ khóa dài, tức là mỗi bài viết ra sẽ cố gắng ở top 10 với từ khóa tìm kiếm chính là tiêu đề bài viết.
VD: tôm nướng muối ớt, sườn heo nướng muối ớt, mực hấp gừng… vừa là tiêu đề bài viết, vừa là title, vừa là từ khóa.
Cùng với title và des “chuẩn” mình tinh tưởng sẽ thu được lượng visit nhất định. Và đây là kết quả:
Với hơn 300 bài viết mình có lượng truy vấn từ khóa là hơn 3k. Con số này vào lúc cao điểm >3.7k. Nhưng gần đây Blog đang bị copy tràn lan và ảnh hưởng khá nhiều tới vị trí các từ khóa dài.
Tất nhiên đó là “ném đá dò đường thôi”, trong một số bài viết mình vẫn khéo léo chèn từ khóa “món ăn ngon”. Chủ đích là khi thời cơ chín muồi thì trỏ về trang chủ, cùng với việc đi một số link chất lượng kèm anchor text sẽ đưa từ khóa chính lên.
III. Xây dựng blog
1. Temple và code
Mình không biết gì về code và design nên lên mạng kiếm một cái temple sẵn, Google về cách tạo và sử dụng blog, cuối cùng thì theo các bài hướng dẫn trên diễn đàn để sửa lại cho ưng ý. Nói chung việc sửa tiêu đề bài viết thành H1, tạo breadcrum, tạo sitemap… thì các bạn biết rồi.
Bây giờ thì đơn giản hơn rồi, chứ lúc đó phải mò mẫm hơn tháng trời mới ra được hình hài cái Blog nhìn như bây giờ.
2. Nhập liệu.
Các bạn có thể xem trong “Lưu trữ” để nắm chi tiết về lịch cập nhật bài, nói chung sau lần nhập liệu ồ ạt ban đầu thì là tốc độ 2 – 3 bài một ngày trong tháng đầu tiên, sau đó tốc độ của mình là 1 bài/ngày, vào một giờ nhất định. Sau nữa là không vào giờ cụ thể nào cả, miễn là ngày một bài; và một tháng trở lại đây là 2 – 3 bài một tuần.
Kinh nghiệm quan sát được: Việc cập nhật bài mới thường xuyên sẽ khiến Google index nhanh các bài viết. Nhưng không nhất định là phải đúng vào một giờ nhất định, cũng không nhất định phải là hàng ngày. Chỉ cần đó là bài mới, 2 – 3 bài một tuần là được rồi. Việc chia sẻ lên mạng xã hội, nhất là submit link lên Google có ý nghĩa rất quan trọng trong việc Google sớm cập nhật bài viết. Các Blog của mình có tốc độ index khá nhanh, nhất là blog SEO, tốc độ kỉ lục được ghi nhận là 33 giây.
Cập nhật bài mới thường xuyên còn giúp web của bạn được Google tin tưởng, thường xuyên gửi mail thông báo việc bạn cập nhật bài mới cho tất cả những ai đăng ký Google Alerts trong lĩnh vực ẩm thực, ăn uống. Việc này tạo ra một lượng truy cập khá lớn, ngoài ra trong mỗi mail luôn chứa link tới bài viết của bạn.
Lọt vào mắt xanh của Google là một điều thật tuyệt
Tuy nhiên bạn phải tuân thủ một cách chặt chẽ chính sách của Google. Chỉ cần bạn copy bài ở nơi khác về, cho dù có dẫn nguồn thì chỉ cần vài bài thôi, bạn sẽ mất đi sự tín nhiệm từ Google. Trong quá trình thử nghiệm của mình, sau khoảng một tháng liên tục được Google gửi tin nhắn bài viết mới từ chính blog, mình đã thử copy vài bài từ Vnexpress, có dẫn link ở cuối bài. Kết quả là trong các mail gửi về không có blog của mình nữa. Sau mấy tháng cố gắng nhập bài mới đều đặn vẫn không thể tìm lại được sự tín nhiệm của Google, mình mất đi 1/3 lượng truy cập từ nguồn này: từ 1,5 – 1,6K visit một ngày, còn khoảng 1,1K như hiện nay.
3. Chia sẻ lên Mạng xã hội
Mình không có sở trường về Mạng xã hội, cũng không hiểu nhiều về Social SEO nên không phát huy được mảng này. Việc duy nhất mình làm là đăng ký 3 tài khoản facebook, twitter,và G+, mỗi khi có bài mới thì chia sẻ bài viết lên ba tài khoản này. Nhưng tập trung vào G+ là chính, vì chỉ có G+ là sau khi chia sẻ bài đăng là mình xem ai cộng thì đi cộng lại và phát triển vòng kết nối. Còn 2 tài khoản kia thì để kệ.
Kinh nghiệm rút ra: Mặc dù tiểu sử G+ và Blog được đồng nhất với nhau, nghĩa là khi Public bài viết trên Blog thì nó tự động chia sẻ lên Google. Dù thế việc mỗi ngày một link vẫn bị Google để ý và nhắc nhở. Sau này mình chịu khó chia sẻ thêm ảnh, thơ thì Google hết để ý. Nhưng từ đó cũng nhận ra rằng, mạng xã hội là để chia sẻ, không nên nhồi nhét quá nhiều link. Thật ngạc nhiên vì những chia sẻ vô tư như kiểu một vài câu: “ngon không cả nhà?”, “sinh nhật mr Boss”… kèm theo một tấm ảnh nhận được nhiều bình luận và chia sẻ hơn những bài chứa link. Trong rất nhiều trường hợp những bài chứa link dù kẹp giữa 2 tin “trời ơi”, thì hai tin trời ơi kia vẫn nhiều + và comment hơn hẳn, thường là gấp đôi.
Giản dị và hiệu quả hơn.
Trước đây mình cho rằng Facebook đã ăn sâu vào tâm trí người dùng, G+ chỉ dùng cho dân SEO nhưng gần đây mình đã thay đổi cách nghĩ và bắt đầu xây dựng G+ một cách đúng đắn hơn. Tuy vài ngày mới post một bài, dán một link nhưng ngày nào cũng chào buổi sáng bằng một thông điệp nhân văn. Lúc đầu mình có tham gia vào một hội chém G+, trao đổi ++ và post bài lên đó. Việc này diễn ra trong khoảng một tháng sau đó thì dừng lại vì thấy không hiệu quả. Bây giờ mình gần như không cộng hay share qua lại nữa, mà chú trọng vào “chất” và phát triển một G+ một cách tự nhiên nhất có thể. Tuy thế, mỗi ngày vẫn có vài chục người thêm Bí Ngô vào vòng kết nối, và việc của Bí nhà ta là thêm lại các bạn một cách có chọn lọc (tìm người có nhu cầu thực sự, hạn chế dân SEO, không + bừa bãi, không vẽ lên tường nhà khác).
Ngoài ra còn một việc nữa, một số bạn thắc mắc việc chỉ những + trên web, blog thì được thống kê, còn các + thông qua G+ thì không được thống kê trên web, blog và SEO Quake cũng không ghi nhận. Mình cũng gặp trường hợp này, đó là Google đã đưa các trang của chúng ta vào “tầm ngắm”. Cách xử lý là hạn chế share link. Hãy đưa Mạng xã hội trở về đúng nghĩa với mục đich tồn tại của nó, vừa phải các bài chứa link, tăng cường thông tin chia sẻ vô tư. Sau một tháng kiên trì cuối cùng thì mình cũng được Google thôi “soi”. Hiện nay các lượt + đã tính. Tất nhiên các bài bị soi ngày trước vẫn cô đơn, lẻ bóng với 01 + duy nhất trên blog do chính tay mình “tự sướng”.
4. Build Link
Liên kết nội site: Không phải các bài đều có liên kết qua lại, trước mình có làm nhưng khá sơ sài. Hiện nay khi website có hơn 300 bài mình mới tập trung vào tăng cường xây dựng liên kết nội site, mục đích là để khách hàng dễ dàng đọc các bài viết liên quan. Tăng thời gian trên site và giảm tỉ lệ thoát.
Liên kết trỏ tới: Như đã nói từ đầu, mình không chủ trương xây dựng hệ thống Back Link mạnh cho Blog mà tập trung vào nội dung. Cùng với việc xây một số liên kết trỏ tới từ các trang rao vặt, diễn đàn ẩm thực, là link all site từ một trang khá chất lượng. Tổng số không nhiều lắm chỉ tầm 700 link. Việc đi link bắt đầu vào tháng thứ 2 và kết thúc vào tháng thứ 4 sau khi mình dỡ hết link, để xem việc tụt hạng của các từ khóa.
Kinh nghiệm rút ra: Từ khóa chính “món ăn ngon” sau khi được ăn 700 link, cùng với việc điều hướng khoảng 100 bài về trang chính với anchor text “món ăn ngon” đã giật top 3. Chỉ có điều sau khi đứng top khoảng một tháng mình thấy lượng visit vào qua từ khóa này chỉ xếp thứ 25, thua xa các từ khóa dài khác. Việc duy trì backlink, liên kết nội site để giữ top cho từ khóa hot, mà từ khóa hot không mang lại hiệu quả thực tế thì nên bỏ. Mình đã tháo hết back link và quan sát, từ khóa tụt về trang 5 sau đó từ từ về lại trang 2, các từ khóa dài không bị ảnh hưởng nhiều.
Đầu tư hết hơi mà lại đội sổ thế này hả giời
5. Một số điều được rút ra khác.
_ Ngay tức thời Google không phân biệt được nội dung mới, nhưng sau đó thì có.
_ Nội dung mới, index nhanh, có Author ship vẫn có khả năng ở dưới trang copy.
_ Cách chống Spam là tạo đất cho Spam.
Khi blog mạnh một chút mình bị spam comment rất nhiều, sau này mình tạo ra một mục riêng là “Quảng cáo”, viết thông báo đăng bài miễn phí cho các trang có nhu cầu, thậm chí chỉ cần gửi thông tin, mình viết bài PR đăng lên blog cho. Kết quả là triệt tiêu được hoàn toàn tình trạng spam.
_ Blog ngon có thể bị copy vô tội vạ.
Các bạn thấy đó, mình chỉ đi có vài trăm link mà số link trong WMT là hơn 15k, trong đó 14,6k đến từ blogspot. Đó là những người copy nguyên xi, hoặc rss toàn bộ nội dung của mình: từng dấu chấm, dấu phẩy, bức ảnh… mình chưa khẳng định việc này là tốt hay xấu. Để xây làm xong liên kết nội site cho blog mình thử Disallow đi xem thế nào rồi sẽ kết luận.
IV. Kết luận:
Mịnh định viết thêm chút nữa, mà nhìn lại thì bài dài quá rồi nên thôi. Chỉ xin nhắc lại với các bạn rằng, blog này chỉ là để chơi, thử nghiệm, không phải là chuẩn SEO như các bạn mong đợi. Mình khẳng định rằng với định hướng như trên thì Blog chỉ để chơi. Mình còn khá nhiều tài nguyên nhưng không đầu tư cho blog vì đây là thử nghiệm. Với mức độ hiện nay mình chỉ duy trì 2 bài mới một tuần, sau khi hoàn thành liên kết nội site, disallow link không cần thiết mình mốn thử nghiệm thêm với Adword và Adsense.
Trong trường hợp muốn kinh doanh từ web, blog ẩm thực thì mình thấy Blog của Bí Ngô cần định hướng lại, xây dựng nội dung theo cách khác, đi link cho đàng hoàng , phát triển fanpage. Tuy nhiên với một số Bạn đang băn khoăn về blog vệ tinh, mình nghĩ nếu lĩnh vực không quá cạnh tranh thì dăm blog như thế này chạy quanh một site là ổn.