Copywriting (viết nói chung) có các giai đoạn khác nhau liên quan đến trạng thái tâm lý và hiệu quả thực hành của người viết. Nó cũng khá giống như các giai đoạn của hai người từ quen nhau, yêu nhau và các cung bậc của hôn nhân.
Giai đoạn “độc thân”
Nghĩ thế nào viết thế đó. Không biết sợ là gì. Viết rất tự nhiên. Nhiều khi rơi vào “tự nhiên chủ nghĩa” quá mà không biết (ví dụ ngôn từ không phù hợp, “nhạy cảm chính trị” thấp, phong cách chưa chuẩn mực v.v.).
Thế mạnh của giai đoạn này là phát huy tối đa “bản năng gốc” tiềm ẩn về kỹ năng viết.
Giai đoạn tìm hiểu & thử nghiệm
Chợt nhận ra cần viết có ý thức và viết có mục tiêu rõ ràng hơn. Bắt đầu ngó nghiêng để ý những bài viết hay. Bắt đầu học viết có bài. Vì mới ứng dụng nên mọi thứ đều mới lạ. Viết xong đăng lên Facebook bắt đầu để ý hiệu ứng mang lại. Đếm từng like. Mừng chảy nước mắt khi có ai đó còm men khen ngợi. Thất vọng tràn trể khi bài viết nào đấy đầu tư công phu, kỳ cạch viết cả đêm sáng post lên đến cuối ngày thấy status đìu hiu như chợ chiều.
Giai đoạn trăng mật
Bắt đầu vào guồng sau một thời gian thực hành liên tục. Hiệu quả thấy rõ. Được khen nhiều hơn. Bắt đầu ứng dụng khá thành thạo các thủ pháp được học hoặc đọc trên sách. Người viết thấy sung sướng và máu lửa. Sản xuất như cái máy với năng lượng tưởng như vô tận. Có ngày viết 2-3 bài và bài nào cũng đầy tâm huyết.
Giai đoạn hậu hôn nhân
Sau thời gian hào hứng và máu lửa bỗng một ngày thấy chán viết. Liền cả tuần không muốn cầm bút (gõ phím thì đúng hơn). Tự hỏi sao trước đây mình tài thế. Ngày nào cũng đổ tút ầm ầm. Trạng thái này rất bình thường nhưng cũng là giai đoạn thử thách nhất. Một là hạnh phúc bền vững nếu vượt qua. Hai là gãy đổ sang ngã rẽ khác. Giai đoạn chính xác nhất để thử thách bạn có thực xem việc viết là hơi thở hàng ngày hay không.
Giai đoạn ổn định bền vững
Đã vượt vũ môn. Không quá phấn khích nếu đạt 1000K like, cũng chả buồn nếu chỉ được 50. Không hẳn không để ý nhưng mục tiêu viết tự thân trở nên quan trọng hơn đánh giá từ phía bên ngoài. Viết đã trở thành thói quen hàng ngày, đúng hơn là một nhu cầu hàng ngày. Không còn phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc quá nhiều nữa.
Ghi chép này tổng hợp từ thực tế chia sẻ của một số bạn học viên lớp Copywriting về lộ trình các bạn đi từ Zero đến Hero trong phạm vi công việc viết lách phục vụ công việc kinh doanh của các bạn.
Hiểu từng giai đoạn này để hiểu hơn và có tâm thái bình thản hơn. Bạn đang ở giai đoạn nào?