Viết nhiều thành bản năng và thói quen tự nhiên. Nhiều người viết tốt mà không cần học trường lớp hay đọc cuốn sách dạy viết nào. Thực hành là khởi nguồn của mọi sự học. Trong copywriting thực hành là nơi bắt đầu sống còn của lý thuyết.
Nhưng rắc rối bắt đầu xuất hiện.
Chỉ viết hay được khi có hứng. Khi nào thì bạn có hứng? Rất ít khi.
Viết vui thì được, viết cho công việc là bất lực trước màn hình. Bạn đã từng bất lực trước con chữ? Hy vọng là rất ít khi.
Bắt đầu đọc sách tìm hiểu bài bản về kỹ năng viết. Tiến bộ hẳn. Nhưng lại cảm thấy rụt rè khi cầm bút (gõ phím) hơn. Đời là thế. Không biết thì thôi, phàm là biết thì hay đắn đo cân nhắc này nọ hơn. Đã hết điếc nên bắt đầu sợ tiếng súng rồi.
Cảm giác trên gọi là giai đoạn “chuyển đổi tâm lý” trong copywriting. Nó sẽ qua mau khi bạn tiếp tục duy trì thói quen viết đồng thời vận dụng thường xuyên các bài được học. Theo thời gian bạn sẽ viết tự nhiên trở lại nhưng nguy hiểm hơn bội phần.
Muốn đơn giản phải qua giai đoạn phức tạp. Đơn giản khi không biết gì khác hẳn với đơn giản một cách nghệ thuật khi đã biết và làm rất nhiều. Trong nghề viết cũng vậy.
“Ta không muốn chết ngộp trong đống chữ nghĩa của người” (Vua Jon nói trong vở kịch của Shakespeare)
Dục tốc bất đạt. Thật tệ khi người đọc (sếp, khách hàng là chính) chết ngộp với đống chữ nghĩa của bạn. Đừng bối rối.
Để có một lần đơn giản, hãy cứ bắt đầu với nhiều lần phức tạp.