1. Lợi ích của khách hàng
Tiêu đề, dù cực ngắn, nên nói được lợi ích khách hàng sẽ nhận được về sản phẩm dịch vụ cụ thể. Trừ một số người có thời gian để chủ động tìm kiếm thông tin, đa số khách hàng thường tiếp nhận thông tin về thương hiệu họ mua một cách thụ động. Họ thấy lợi ích cụ thể họ mới đọc tiếp.
Những người đang đi tìm việc chắc chắn sẽ click vào tiêu đề này khi đọc ở mục “tìm việc”. Đây là tiêu đề “The best job in the world” quảng cáo về du lịch của bang Queesland (Úc) năm 2008. Tôi là một trong số 3 triệu “nạn nhân” của chiến dịch rất thành công này.
2. Liên quan đến nội dung body text
Vai trò của tiêu đề là gì? Rất nhiều. Và vai trò quan trọng nhất là nó giúp người đọc đọc phần tiếp theo của đoạn quảng cáo. Nhiều bài viết làm tốt khâu tiêu đề. Nhưng đến đoạn viết chính lại chẳng liên quan gì đến tiêu đề cả. Tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia sẽ làm người đọc sẽ khó chịu. Chỉ cần lặp lại trên hai lần thôi, lần thứ 3 cứ thấy tên người viết đó, tên thương hiệu đó họ sẽ bỏ qua.
3. Có keyword gây chú ý
Con số, tên người có ảnh hưởng, tên sự kiện mang tính thời sự, đặc điểm độc đáo của sản phẩm… gì cũng được, nhưng phải có “cái gì đó” để buộc mắt người đọc dừng lại ở đó. Từ “lướt” rất hay. Trước đây lướt sạp báo, lướt web. Lướt sạp báo thấy headline báo nào hay mới nhặt. Lướt web trong một hai phút thấy headline nào thu hút mới click. Giờ thêm từ lướt phây (Facebook). Bạn biết rồi đó. Đã lướt thì cực nhanh. Đã cực nhanh tức không có cơ hội cho những gì không nổi bật. Có những bài viết chất lượng của một số Facebookers chất lượng ít người đọc. Một trong những lý do là headline (hoặc đoạn đầu bài viết) không hấp dẫn vì thiếu keyword thu hút. Thật tiếc!
Ở ví dụ trên, 200K USD trong 3 tháng là mức lương không một kẻ đang tìm việc nào có thể cưỡng lại được cú click chuột.
4. Ngôn ngữ hội thoại
Có một thực tế về văn hoá đọc là người đọc giờ đây ngày càng bị ảnh hưởng bởi phong cách copywriting theo ngôn ngữ mạng xã hội nhiều hơn. Hay dở phân tích sau. Nhưng đó là một thực tế. Thực tế này đòi hỏi copywriter không thể bỏ qua khi viết nói chung và viết tiêu đề nói riêng. Những tiêu đề viết theo phong cách “nói chuyện” bình dị, đơn giản sẽ dễ dàng gây cảm tình từ cú lướt đầu tiên hơn.
“Chồng tôi mê gái
Chồng tôi mê gái chỉ vì tôi không đọc tuần báo Đàn bà
Nên không biết săn sóc cho đẹp hơn
Không biết làm đồ ăn cho ngon hơn
Không biết dạy con khéo hơn
Không biết giao tiếp giỏi hơn
Không biết ăn mặc thanh lịch hơn”
(trích đoạn quảng cáo cho Tuần báo Đàn bà – tuần báo thời Pháp thuộc)
Vâng tiêu đề là “chồng tôi mê gái”. Một nửa thế giới này không ai không quan tâm. Rất chi là trực quan sinh động. Ngôn ngữ nghe như một chị một cô nào đấy đang buôn chuyện với bạn. Các bà các cô đọc đoạn viết quảng cáo này chắc chay đi mua Tuần báo Đàn Bà khẩn trương thôi. Tiếc rằng hình như giờ có nhiều báo giấy báo mạng nhưng không có tờ nào, trang nào mang tên này. Cơ hội?
5. Trung thực
Tiêu đề giúp đoạn viết copywriting (quảng cáo) hay đoạn viết content writing (viết nội dung) được chú ý. Chính vì quan trọng nên dẫn đến một số tiêu đề rơi vào bẫy giật tít quá đà. Hiện nay không hiếm các bài viết về đề tài xã hội hay để tài thương hiệu của các doanh nghiệp rơi vào bẫy này. Tôi cho rằng cách bền vững nhất để khách hàng đến và ở lại với mình là tôn trọng họ. Đối với tiêu đề, sự tôn trọng thể hiện ở việc không dụ họ click những tiêu đề gây shock (gây tranh cái là chuyện khác) trong khi nội dung không liên quan đến tiêu đề này. Cảm giác “bị lừa” khi lỡ đọc một bài viết vì tiêu đề giật tít không trung thực khiến người đọc cực kỳ khó chịu. Những người làm marketing đừng quên điều này.